Hơn 30 năm kể từ sau Đổi Mới đến nay, Việt Nam đang bước đi nhanh chóng trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nền kinh tế tăng trưởng ổn định với tốc độ khoảng 6%/năm (giai đoạn 2006-2015)song song với đó là mức độ gia tăng đóng góp của ngành công nghiệp vào tổng sản phẩm quốc dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phát triển công nghiệp đã và đang nảy sinh nhiều hệ quả cần giải quyết, điển hình là vấn đề năng lượng. Công nghiệp là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất chiếm 40.99% trong tổng tiêu thụ năng lượng năm 2013. Với đặc điểm bao hàm nhiều ngành có mức độ ô nhiễm cao, hoạt động công nghiệp của Việt Nam đang gây áp lực lên tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh này, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng càng trở nên cần thiết đối với Việt Nam. Chính phủ hiện đã và đang hoàn thiện các cơ chế và thể chếnhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng.
Cùng hướng tới mục đích này, Dự án "Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam" (Dự án) do Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2019.. Dự án được thực hiện nhằm xóa bỏ các rào cản được nhận dạng để thúc đẩy sản xuất/chế tạo nồi hơi hiệu quả năng lượng (HQNL) và sử dụng nồi hơi HQNL tại các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) Việt Nam. Các can thiệp của Dự án sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cả hai phía: người sử dụng và nhà cung cấp trên thị trường nồi hơi thông qua các chính sách và quy định về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi, xây dựng năng lực cho các nhà chế tạo nồi hơi trong nước, người vận hành nồi hơi, các chuyên gia tư vấn và công ty cung cấp dịch vụ năng lượng cũng như các nhà phân phối nồi hơi và tiếp cận các hỗ trợ tài chính.
Để đáp ứng được mục tiêu của dự án là tiết kiệm tổng mức năng lượng tiêu thụ là 1.955.304 GJ/năm và giảm thiểu tổng mức phát thải khí nhà kính 183.736 tấn CO2/năm, Dự án sẽ thực hiện 3 hợp phần chính.
Hợp phần thứ nhất về khung chính sách và quy định hỗ trợ hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp. Hợp phần này giúp hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với nồi hơi công nghiệp được xây dựng; hỗ trợ kỹ thuật đối với Bộ Công Thương xây dựng chương trình chứng nhận vận hành nồi hơi đồng thời hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính để cải thiện hiệu suất nồi hơi công nghiệp. Hợp phần thứ hai nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực đối với các cơ quan nhà nước, người sử dụng, nhà cung cấp/sản xuất nồi hơi và các bên có liên quan khác. Hợp phần thứ ba nhằm hỗ trợ tài chính và triển khai thực hiện việc sử dụng và sản xuất nồi hơi hiệu quả năng lượng.
Để thực hiện mục tiêu của hợp phần hai, Dự án đã phối hợp với Viện Sinh thái và Môi trường (EEI) triển khai xây dựng Chiến lược truyền thông quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và cung cấp thông tin về nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Đối tượng tham gia khảo sát gồm 4 nhóm chính: doanh nghiệp sử dụng nồi hơi thuộc 5 ngành nghề công nghiệp; tổ chức cung cấp dịch vụ năng lượng; chuyên gia năng lượng;doanh nghiệpsản xuất/cung cấp nồi hơi. Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề như: nhận thức về nồi hơi hiệu quả năng lượng, các cách/kênh tiếp nhận thông tin về nồi hơi hiệu quả năng lượng, nhu cầu tiếp cận và cập nhập các thông tin về nồi hơi hiệu quả năng lượng và các hình thức cung cấp thông tin phù hợp.
Từ kết quả khảo sát, dựa trên mục tiêu của hợp phần thứ hai, các chuyên gia của EEI đã tổng kết và xây dựng nguyên tắc cho chiến lược truyền thông. Chiến lược truyền thông được đề xuất sẽ tập trung vào năm vấn đề sau: Thứ nhất, cần áp dụng lồng ghép các hình thức truyền thông. Thứ hai, các tài liệu truyền thông có nội dung súc tích, rõ ràng, được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu (4 nhóm đối tượng như điều tra khảo sát). Thứ ba, tất cả các tài liệu in ấn và sự kiện đều kèm logo của UNIDO, Bộ Công Thương, Quỹ Môi trường toàn cầu một cách rõ ràng. Thứ tư, cần lồng ghép, kết hợp các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức với các hoạt động liên quan khác (Dự án, VNEEP, Bộ Công Thương). Thứ năm, các thông điệp đưa vào các tài liệu truyền thông và trình bày tại các hội thảo và sự kiện phải nhất quán, tích cực, gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp.
Về kênh và hoạt động truyền thông, EEI xác định phát triển các ấn phẩm in ấn cho các nhóm mục tiêu khác nhau, bao gồm: tờ rơi (dùng trong hội nghị hội thảo), tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bản tin, kỷ yếu. Kênh truyền thông đại chúng bao gồm: truyền hình, đài phát thanh, báo viết và báo điện tử. Đồng thời xây dựng và vận hành website dự án để cập nhật thường xuyên tiến trình thực hiện cũng như các tài liệu truyền thông có liên quan. Ngoài ra, chiến lược truyền thông cũng xác định hoạt động truyền thông quan trọng là những hội thảo theo chủ đề, tư vấn/tiếp thị về nồi hơi hiệu quả năng lượng cho doanh nghiệp và các hội chợ triển lãm. Cuối cùng, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu; tổ chức đăng ký thực hiện dự án liên quan đến nồi hơi hiệu quả năng lượng cũng cần thực hiện nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin hoặc tham gia dự án.
Như vậy trong giai đoạn đầu của hợp phần hai, một chiến lược truyền thông tăng cường nhận thức về sử dụng, vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đã được EEI xây dựng. Kế hoạch thực hiện chiến lược cũng đã được chi tiết hóa sẵn sàng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2019 nhằm đảm bảo kết quả đầu ra của Dự án.