HỖ TRỢ BỘ KH&ĐT TRONG NGHIÊN CỨU VÀ XÁC ĐỊNH NHỮNG CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐỂ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VỚI COP22

Ngày tạo: 26-06-2019 | Chuyên mục: Tin tức

Tại Cuộc họp các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 22 (COP22) tổ chức tại Marrakesh, Morocco, "Kêu gọi Hành động Marrakech về Khí hậu của chúng ta và Phát triển bền vững" (UNFCCC, 2016) đã được phê chuẩn bởi 200 quốc gia trong đó có Việt Nam. Bản Kêu gọi Hành động này đã khẳng định:

  • Chúng tôi chào đón việc thông qua Thỏa thuận Paris và chúng tôi khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận này.
  • Nhiệm vụ của chúng ta là nhanh chóng trên đà này cùng nhau hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và tăng cường các nỗ lực về thích ứng, từ đó đóng góp và hỗ trợ cho Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình nghị sự này.

Nội dung cơ bản quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris là báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đây là cam kết nỗ lực giảm khí nhà kính (KNK), thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) được xây dựng phù hợp với năng lực quốc gia, nhằm đóng góp thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C.

Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hướng tới ứng phó với BĐKH, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển biền vững (PTBV), trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó BĐKH (2008), Chiến lược quốc gia BĐKH (2011) và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó BĐKH (2013), Chiến lược quốc gia về TTX (2012), Chiến lược PTBV của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2014) và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX (2014).

Tháng 11/2015, khi tham dự COP21 tại Paris, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết thực hiện NDC của Việt Nam trong đó bao gồm hợp phần về giảm nhẹ phát thải KNK và hợp phần về thích ứng với BĐKH. Tiếp đó, tháng 10/2016, Việt Nam cụ thể hóa bằng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được công bố tại COP22. Trong nghiên cứu này thực hiện Cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP22 chính là thực hiện các mục tiêu của NDC của Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã và đang xây dựng và thực hiện nhiều chính sách liên quan đến PTBV, bảo vệ môi trường (BVMT), BĐKH, TTX nhưng đánh giá sơ bộ cho thấy việc thực hiện Quyết định 2053/QĐ-TTg đặt ra những thách thức lớn về thể chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, v.v. Việc nghiên cứu và xác định những chính sách liên quan, những khoảng trống, những trùng lắp, để cập nhật, xây dựng kế hoạch với các giải pháp đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với COP22 là cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan chủ trì về huy động và quản lý nguồn lực, định hình chính sách phát triển, thu hút và quản lý đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ. Gói dịch vụ tư vấn "Hỗ trợ Bộ KH&ĐT trong nghiên cứu và xác định những chính sách liên quan để đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với COP22" được thiết kế nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐKH và TTX, thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam tại COP22.

Để thực hiện vai trò và nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris và NDC của Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã có đề xuất:

Để tiết kiệm nguồn lực và kế thừa các nỗ lực quốc gia, tránh gây quá tải về việc xây dựng chính sách ở cấp tỉnh và cấp ngành, đảm bảo tập trung tiếp tục thực hiện các nỗ lực giảm nhẹ đã và đang được thực hiện, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị đề xuất Chính phủ sử dụng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX là công cụ chính để thực hiện mục tiêu giảm nhẹ của Thoả thuận Paris (Điều 4, Mục 19), là nội dung chính trong Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris ở Việt Nam cũng như NDC .

Ngoài ra, hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV là một trong những nội dung quan trọng trong cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP22.

Đây là các cơ sở để đề xuất các nội dung trong chủ đề nghiên cứu của gói dịch vụ tư vấn này nhằm thực hiện hai mục tiêu sau:

  • Mục tiêu dài hạn của nghiên cứu là đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐKH và TTX, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP22.
  • Mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ Bộ KH&ĐT chuẩn bị và ban hành những chính sách liên quan để đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với COP22.

Báo cáo này được nhóm chuyên gia của Viện Sinh thái và Môi trường thực hiện trong thời gian từ tháng 8/2018 – 2/2019.