Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng và đề xuất các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Ngày tạo: 31-08-2018 | Chuyên mục: Tin tức

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng tới hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội của các quốc gia cũng như toàn thế giới. Ảnh hưởng của BĐKH thông qua các hiện tượng nước biển dâng, thay đổi về lượng mưa gây ra hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt, gió lớn, bão, xâm nhập mặn suy giảm chất lượng không khí... đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người, làm cho gánh nặng bệnh tật thêm tồi tệ và đặt ra những thách thức đối với các quốc gia nói chung và ngành y tế nói riêng trên toàn thế giới. Đặc biệt, tác động của BĐKH đối với sức khỏe của người dân Việt Nam càng trở nên nặng nề hơn khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH trên toàn cầu.

Cụ thể, BĐKH gây ra một số nguy cơ đối với sức khỏe con người như: thương vong, bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng, shock nhiệt/say nắng say nóng, stress tâm lý, xung đột và những rối loạn thực thể khác. BĐKH tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch phát triển, cộng thêm việc tăng cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh (như tiêu chảy, đau mắt, bệnh ngoài da...) trong và sau hiện tượng ngập úng và lũ lụt. Bên cạnh đó, hiện tượng sóng nhiệt làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong cho người dân, đặc biệt là những người đang mắc bệnh về hô hấp, tuần hoàn, người già, trẻ nhỏ và những người phải làm việc ngoài trời hay người làm việc trong điều kiện khắc nghiệt... Các tia bức xạ mặt trời đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư da. Đặc biệt ở Việt Nam, nhiệt độ khí quyển tăng làm tăng gánh nặng của một số bệnh truyền nhiễm qua vector (sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, zika...) do muỗi và các vi khuẩn gây bệnh có khả năng sinh trưởng cao, làm tăng khả năng lây lan của bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm...) và một số bệnh truyền nhiễm khác (bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ...). Những bệnh liên quan đến thiếu nước sạch như tiêu chảy, đau mắt, bệnh ngoài da, viêm nhiễm đường sinh dục/tiết niệu... cũng có nguy cơ gia tăng do BĐKH. Những bệnh dịch này còn có thể tăng nguy cơ lây lan và mức độ nghiêm trọng do việc tăng mật độ dân số ở các thành phố lớn.

Một vài nhóm/đối tượng trong xã hội đã được xác định dễ bị tổn thương về mặt sức khoẻ và đời sống do BĐKH hơn một vài nhóm khác. Nhóm nghèo và nhóm cận nghèo bị ảnh hưởng đầu tiên do hạn chế điều kiện về vật chất và cơ sở hạ tầng để phòng trống và khắc phục hậu quả của thời tiết cực đoan. Người dân tộc thiểu số cũng được coi là nhóm dễ bị tổn thương bởi BĐKH hơn so với người Kinh do địa bàn sinh sống ở vùng núi cao, hiểu biết và cơ sở hạ tầng hạn chế. Trẻ em, người già, người tàn tật và/hoặc những người mắc bệnh mạn tính dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và bệnh dịch hơn do khả năng miễn dịch hạn chế và thiếu cở sở, dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Người dân làm trong ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản... dễ bị tổn thương bởi BĐKH do thường xuyên bị phơi nhiễm với các yếu tố thời tiết/khí hậu, đồng thời, nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất, giảm năng suất hay mất mùa gia tăng cũng ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế - đời sống xã hội của họ. So với nam giới, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi BĐKH do đời sống thường làm việc nội trợ, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp trước và sau thiên tai. Một vài vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH về mặt sức khoẻ hơn ví dụ như đồng bằng sông Cửu Long, hay những khu vực người dân phải tự chủ nguồn nước cho ăn uống và sinh hoạt và tích trữ nước bằng những dụng cụ không được đậy kín. Tuy nhiên, tổng thể thì người dân thuộc khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng từ BĐKH nặng nề hơn so với người dân sinh sống tại các vùng miền khác ở Việt Nam.

Báo cáo "Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam " do Bộ Tài nguyên và môi trường vừa công bố năm 2016 cung cấp những thông tin cập nhật nhất về đánh giá những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Theo báo cáo, nhiệt độ và lượng mưa ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng; số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão; mực nước biển dâng và do vậy nguy cơ ngập do nước biển dâng tăng. Vì vậy, những tác động sức khoẻ của BĐKH được nêu trên đang xảy ra và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn với kịch bản biến đổi khí hậu này. Mỗi vùng miền sẽ bị ảnh hưởng bởi BĐKH với tính chất và mức độ khác nhau, vì vậy chính sách đối phó cụ thể phù hợp với từng vùng là cần thiết.

Do tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH (trong đó bao gồm tác động của BĐKH đến SKCĐ) không chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi của các yếu tố thời tiết/khí hậu mà còn tùy thuộc vào một số yếu tố xã hội, bao gồm: yếu tố con người, thể chế/chính sách, điều kiện kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng, khả năng ứng phó trước tác động của BĐKH, một vài khuyến nghị được đưa ra như sau. Về mặt chính sách, thể chế, nên có những chính sách nhằm đảm bảo việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương được đồng bộ; cơ chế vận hành các nhà máy thủy điện; chính sách về khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; chính sách bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo hướng bền vững, quy hoạch phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của từng vùng miền; chính sách về đô thị hóa theo hướng đồng bộ, bền vững, xem xét tới vấn đề quản lý nhân khẩu, hộ khẩu nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nhóm bản địa và nhóm nhập cư; chính sách phát triển nông thôn đảm bảo tính bền vững và chú trọng đến công tác ứng phó với BĐKH, tạo cơ hội việc làm và sinh kế, có biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp khi thiên tai xảy ra nhằm hạn chế tình trạng di cư; chính sách bảo vệ và đãi ngộ cho người dân khi thảm họa thiên tai xảy ra, đặc biệt là những nhóm dân số dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Ngoài ra, cần có chính sách quản lý theo hướng bớt cồng kềnh và minh bạch hóa ngân sách và các nguồn lực từ cá nhân/tổ chức trong nước và quốc tế nhằm tăng hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực trong giảm thiểu tác động của BĐKH; chính sách ưu đãi (về thuế, đầu tư ngân sách, thông tin-quảng bá...) đối với các tổ chức/cá nhân tham gia nghiên cứu, sản xuất, phát triển và cung ứng những sản phẩm/dịch vụ giúp tăng khả năng ứng phó với BĐKH; vấn đề phân quyền và quy trách nhiệm (về quản lý, triển khai, giám sát) nhằm tránh tình trạng chồng chéo, lạm quyền, mâu thuẫn lợi ích... Các chế tài cần có tính răn đe hơn đối với những hành vi của tổ chức/cá nhân gây ảnh hưởng đến môi trường (vứt rác bừa bãi, hút thuốc lá tại nơi công cộng, cố tình duy trì các hoạt động sản xuất/kinh doanh ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh...). Những chính sách cụ thể sẽ gây ảnh hưởng tích cực tới việc thích ứng với nước biển dâng, thiên tai, và dịch bệnh bằng công tác giáo dục - đào tạo chuyên môn, phát triển các dịch vụ/hoạt động y tế dự phòng và bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống công nghệ và truyền thông phù hợp.