“VĂN MINH SINH THÁI LÀ CỘI NGUỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN HẠNH PHÚC NHÂN LOẠI”

Ngày tạo: 02-12-2015 | Chuyên mục: Tin tức

PGS.TS NGUYỄN ĐẮC HY
“VĂN MINH SINH THÁI LÀ CỘI NGUỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN
HẠNH PHÚC NHÂN LOẠI”

Nguyen Dac Hy


     Ở tuổi thất thập cổ lai hy, có một nét hồng hào rạng rỡ và niềm hạnh phúc giản dị nhưng viên mãn hiện rõ trên gương mặt của nhà khoa học đã một đời sống và cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà. Ông là PGS.TS Nguyễn Đắc Hy – Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường, một trong những người làm công tác quản lý sinh thái và môi trường đầu tiên ở Vụ điều tra cơ bản thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, sau đó ở Cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, là người đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển của khoa học nói chung và ngành khoa học môi trường nói riêng.

Cơ duyên với ngành môi trường và những chặng đường nghiên cứu của người con Võ Trại.
     PGS.TS. Nguyễn Đắc Hy sinh ra và lớn lên tại làng Võ Trại (nay thuộc Giảng Võ, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1963, ông được phân công công tác tại Sở Thủy Lợi Hà Nội. Ông nhận chức Trưởng phòng Đê điều và là Chánh Văn phòng Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố. Sau một thời gian phấn đấu trong công việc, ông được nhà nước cử đi nghiên cứu học Quản lý kinh tế tại Liên Xô sau đó về công tác tại Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
     Khi miền Nam giải phóng, ông được cử vào xây dựng – quy hoạch vùng kinh tế mới Hà Nội (nay là huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), sau đó làm việc tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, công tác tại Vụ điều tra cơ bản Tài nguyên và Môi trường. Công việc của ông lúc này là trưởng Ban chính sách và pháp chế, chủ biên viết dự thảo Luật Môi trường đầu tiên của Việt Nam đồng thời ông cũng đã trực tiếp tham gia viết Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 41 của Đảng về công tác bảo vệ mô trường trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chủ biên xây dựng các chính sách, chiến lược, các quy hoạch bảo vệ môi trường cho sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia…Thời điểm này nước ta chưa thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như chưa có khái niệm cụ thể về môi trường. Bởi thế, ông Nguyễn Đắc Hy cùng một số cán bộ có năng lực chuyên môn từng tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và được phân công soạn thảo những bộ luật quan trọng liên quan đến chính sách môi trường và phát triển bền vững đầu tiên ở nước ta.
     Năm 1991, ông Nguyễn Đắc Hy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Địa lý – Sinh thái, ông làm trưởng phòng Chính sách – Pháp chế của Cục Môi trường trong những thập niên đầu về công tác quản lý nhà nước về môi trường, công tác từ Vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường (sau này là Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường). Từ đó trở đi, ông thường xuyên tham gia các tổ chức phi chính phủ trong nước cũng như một số tổ chức quốc tế đồng thời thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, về mối liên quan chặt chẽ giữa xóa đói giảm nghèo với biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề thương mại – môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
    Ông Nguyễn Đắc Hy đã tham dự nhiều lớp tập huấn hội nghị, hội thảo quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới. Tiếp xúc với bạn bè, các chuyên gia quốc tế là một cơ hội để ông trao đổi, mở mang kiến thức khoa học, tạo điều kiện tiếp thu nền văn minh tri thức của nhân loại. Bởi vậy, mỗi lần đặt chân lên một vùng đất mới, ông luôn tìm kiếm các cơ hội học hỏi, chủ động đọc và sưu tầm các tài liệu tham khảo của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đó để bổ sung vốn kiến thức của mình nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của nước nhà.
    Cũng bởi đi nhiều, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước, từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia quốc tế về môi trường và phát triển bền vững nên ông có nhiều cơ hội để tiếp cận, thu thập các tài liệu phục vụ cho công việc viết các Chỉ thị, Nghị quyết, các chính sách, luật pháp bề môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, góp phần đưa ra những chính sách chiến lược và pháp chế cũng như những kế hoạch, những phương án hợp lý trong việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên nước ta như xây dựng quy hoạch tổng thể và giúp các địa phương trong việc quy hoạch cho từng vùng ở Cao Bằng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Hòa Bình, Phú Thọ…)
    Với cương vị trưởng phòng Chính sách pháp chế của Cục Môi trường, ông thường xuyên được mời tham gia giảng dạy ở các trường đại học (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia…), trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa đào tạo cán bộ nguồn cho các tỉnh và địa phương trong cả nước, hướng dẫn các nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học…trong lĩnh vực phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường…Năm 2002, Ông Nguyễn Đắc Hy được phong tặng chức danh Phó Giáo sư. Với những công trình nghiên cứu có chiều sâu, bám sát với thực tiễn cùng cách làm việc hiệu quả, khoa học và sự tâm huyết vớ nghề, ông được rất nhiều người biết đến. Nhiều tỉnh thành phố, các tổ chức trong nước cũng như quốc tế thường xuyên mời ông tham gia tại các hội nghị quốc tế, hội thảo khoa học, ông cũng tham gia chấm luận văn Tiến sỹ và là thành viên của các hội đồng khoa học đánh giá, thẩm định các đề tài nhà nước về môi trường. Sau khi nghỉ công tác từ năm 2000, ông được nhà nước cho phép thành lập Viện Sinh thái và Môi trường. Viện Sinh thái và Môi trường (viết tắt là EEI) – với sự cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2001 là tâm huyết và minh chứng cho lòng say mê nghiên cứu khoa học môi trường không ngừng của PGS.TS Nguyễn Đắc Hy. Ông đã thành lập và trở thành Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường, tiếp tục tham gia công tác giảng dạy, hợp tác nghiên cứu với các giáo sư, các chuyên gia quốc tế, trường học và các viện nghiên cứu thực hiện chương trình đào tạo, quy hoạch tổng thể và thường xuyên tham vấn cho các vấn đề quan trọng về môi trường như tham gia và chủ biên các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch quốc gia, tỉnh, thành phố về môi trường và phát triển bền vững. Những đối tác thường xuyên và quan trọng của EEI có thể kể đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Mô trường toàn cầu (GEF)…


“Văn minh sinh thái là cội nguồn để phát triển hạnh phúc nhân loại”
     Dành gần cả cuộc đời nghiên cứu về những vấn đề về sinh thái và môi trường, PGS.TS Nguyễn Đắc Hy đã luôn tâm niệm “Văn minh sinh thái là cội nguồn để phát triển hạnh phúc nhân loại”. Với những trăn trở không ngừng về một môi trường sống trong sạch, về sự phát triển bền vững thiết yếu dành cho thế hệ tương lai, cho đến tận bây giờ PGS.TS Nguyễn Đắc Hy vẫn say mê làm việc, viết báo và tìm tòi nghiên cứu khoa học, tham gia các hội nghị quốc tế, quốc gia, các tổ chức phi chính phủ về những vấn đề chính sách, chiến lược, pháp chế về môi trường trong phát triển bền vững…
     Đúng như câu thơ của nhà thơ Trần Dần mà ông yêu thích:
                                        “Tôi đói
                                         mọi cái gì
                                         tôi chửa biết,
                                         mọi khát khao
                                         hi vọng       
                                         loài người”
     Cho dù tuổi đã cao nhưng dường như niềm khát khao khám phá và tiếp nhận tri thức để hòa vào nhịp phát triển của thời đại vẫn như một ngọn lửa không bao giờ tắt trong lòng người làm khoa học chân chính.
     Quãng thời gian được tham gia học tập ở Liên Xô đã đem đến cho ông Nguyễn Đắc Hy những bài học và kinh nghiệm vô cùng quý báu. Theo dòng hồi tưởng, ông tâm sự: “Trong suốt những năm tháng học tập ở Liên Xô, tôi luôn tâm niệm một câu nói của Lê Nin: “Không có sách thì không có tri thức” – Điều này rất đúng với chúng tôi lúc đó, cũng đúng cho cả ngày hôm nay và cho mai sau. Trong sách có tất cả những hành trang cần thiết và một cuốn sách hay có thể thay đổi cả cuộc đời con người. Đọc sách là cần thiết, nhưng đồng thời anh cũng phải lọc nó qua lăng kính của anh, phải soi vào thực tế, vào bản thân để biến nó thành tri thức, thành cái vốn liếng trong anh, như thế kiến thức mới có giá trị và phong phú về mặt tinh thần, trí tuệ…Đây cũng là tôn chỉ hoạt động, là cái cốt lõi thúc đẩy tôi tiếp tục nghiên cứu, đọc sách và các tài liệu liên quan để tiếp cận tri thức nhân loại.”
     Một tâm hồn phong phú kết hợp với tư duy khoa học đã thôi thúc PGS.TS Nguyễn Đắc Hy viết sách, viết báo để lưu giữ lại các công trình nghiên cứu khoa học cho đời sau. Cho đến nay, ông đã viết 3 cuốn sách khoa học và rất nhiều bài báo được đăng tải và lưu giữ làm tài liệu nghiên cứu.
     Cuốn sách đầu tiên mang tên “Phát triển bền vững trong tầm nhìn của thời đại” (Cục XB/2003). Đây là một cuốn sách mang tính tổng luận những vấn đề môi trường và phát triển từ nhận thức đến hành động. Bằng phương pháp trình bày rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện vốn kiến thức phong phú, mang tính lập luận khoa học và một nhân sinh quan mới mẻ, công trình này của PGS.TS Nguyễn Đắc Hy đã nhận được sự đón nhận tích cực từ những người đang quan tâm đến vấn đề môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
     Với gần 1000 trang, cuốn sách thứ hai với tựa đề “Môi trường và con đường phát triển” (NXB Công An nhân dân/2011) được viết một cách bền bỉ trong suốt 2 năm là tập hợp của những nguyên lý cơ bản về tự nhiên, về kinh tế và triết học trong sự vận động của các quy luật phát triển, kinh nghiệm quốc tế và bài học thực tiễn ở Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Đắc Hy. Cuốn sách đề dẫn từ những nguyên lý cơ bản từ các học thuyết về các quy luật tự nhiên và xã hội của nền văn minh nhân loại trong phát triển. Trong đó các giá trị về vốn tự nhiên, tài sản tài nguyên thiên nhiên và vốn trí tuệ từ các nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật và văn hóa của con người được khai thác, sử dụng cho phát triển với những thành công và những thất bại trong quá trình tiến hóa của quốc gia, của nhân loại trên Trái đất. Các bài biết có hệ thống từ những nguyên lý đến những vấn đề của thực tiễn khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển bền vững ở các quốc gia trên thế giới, các tổ chức và các hội nghị quốc tế trong khu vực và toàn cầu về những vấn đề trong phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đói nghèo…Trong đó nêu lên những vấn đề hết sức thực tế về bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội của Việt Nam trong trong thực tại và trong tương lai. Trong tác phẩm này ông có nhắc đến một quốc gia tươi đẹp và hạnh phúc trên thế giới: Đó là Costarica – Một dân tộc đã luôn có ý thức gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, họ sống và phát triển hài hòa trên mảnh đất thân yêu của dân tộc mình. Đây cũng là niềm mơ ước của toàn nhân loại nói chung và PGS.TS Nguyễn Đắc Hy nói riêng. Cũng như các nhà khoa học nghiên cứu về môi trường khác, ông luôn mang lý tưởng về một xã hội văn minh, một môi trường sống xanh sạch và sự cân bằng trong hệ sinh thái giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Chính những trăn trở về rất nhiều hệ lụy mà con người sẽ gặp phải khi sống một cuộc sống ích kỷ chỉ biết đến mình mà không nghĩ cho thế hệ mai sau đã thúc đẩy ông tiếp tục hành động, nghiên cứu khoa học nhằm góp phần giữ lại màu xanh cho cuộc sống.
     Ông suy ngẫm: “Cuốn sách Môi trường và Con đường phát triển” được viết trong thời gian cuối cùng của cuộc sống, khi tôi đã nhận ra được một điều: tri thức của con người thì mênh mông, triết lý của cuộc sống thì trường cửu, song hành động của nhân loại vì nhân sinh thì đầy rẫy những bất cấp, thậm chí là tội lỗi…ngược hẳn lại với những điều mà tôi đã học được về giá trị của nền văn minh nhân loại vốn đề cao các quan hệ giữa phát triển với tự nhiên và xã hội, cũng như sự điều khiển nhịp nhàng lương thiện của các thể chế xã hội-cộng đồng trong mối liên hệ sinh quyển và con người…Nỗi buồn, niềm lo lắng và sự bất an cũng là một nguồn cảm hứng lớn khi tôi cầm bút…Có lẽ bài học lớn nhất mà tôi rút ra được khi suy nghĩ về cuốn sách này là: Mọi sự sống của tự nhiên và xã hội loài người đều có các giới hạn, và khi vượt quá giới hạn sẽ xảy ra các nhiễu loạn đó cũng là lúc con người và xã hội phải điều chỉnh để tiến lên nấc thang phù hợp với sự phát triển mới. Như vậy, quy luật phát triển trong nền văn minh nhân loại cũng chính là quy luật của tiến hóa nhân loại trong sinh quyển…”
     Công trình nghiên cứu này đã được Thứ trưởng Bộ Công An – Trung tướng Phạm Minh Chính gửi thư chia sẻ ngày 15/6/2011. Thư của Thứ trưởng có đoạn viết: “…Đây là một công trình đồ sộ, là tâm huyết tốn nhiều công sức và thể hiện sự đam mê của PGS.TS dành cho khoa học, cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của nước ta và là vấn đề thuộc phạm vi an ninh phi truyền thống mà tất cả chúng ta quan tâm..”
     Để tiếp nối dòng chảy tri thức và sẻ chia những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Đắc Hy đã cả đời dày công nghiên cứu, cuốn sách thứ ba – cũng là công trình gần đây nhất của ông được xuất bản mang tên “Vũ trụ quan khoa học với định chế nhân sinh” (2015). Cuốn sách đề cập về những vấn đề chuyển hóa và tích tụ năng lượng trong vũ trụ và nhân sinh. Bằng những nghiên cứu lâu dài dựa trên cơ sở khoa học, PGS.TS Nguyễn Đắc Hy cho rằng bản thân mỗi con người trong cuộc sống đều mang trong mình một nguồn năng lượng. Ngay cả khi đến giới hạn của sự sống, thể xác có thể bị hủy hoại nhưng nguồn năng lượng đó thì không bị mất đi. Bản thân con người sinh ra và lớn lên, duy trì cơ thể sống bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Một nguồn năng lượng không nhìn thấy được cũng khởi phát và duy trì từ đó. Chỉ cần đến đúng thời điểm và tần suất, cơ chế truyền tải năng lượng sẽ được kích hoạt. Khi đó những suy nghĩ, mối liên hệ và cả những giấc mơ được hình thành trong trí não – đó chính là nguồn năng lượng tâm linh. Nội dung của mỗi giấc mơ đều có sẵn tiềm thức và trong một số tường hợp, nó mang tính dự báo cho tương lai. Thế giới cũng từng ghi nhận rất nhiều trường hợp con người mang giấc mơ kỳ lạ, nó trùng khớp với những gì xảy ra trong tương lai. Những điều này cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp nhưng rất có thể với những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Đắc Hy đã gợi mở trong cuốn sách này, người đọc có thể tìm thấy một câu trả lời cho riêng mình.
     Hiện nay thư viện trường Đại học Harvard và Đại học Tổng hợp Cornell University (Hoa Kỳ) đang lưu giữ 3 cuốn sách của ông để góp phần làm tài liệu tham khảo nghiên cứu khoa học. Ngoài việc viết sách, những nghiên cứu của ông còn xuất hiện trên các báo, ông thường xuyên viết bài cho tạp chí Khoa học công nghệ và Môi trường của Bộ Công an, tạp chí Bảo vệ môi trường của Cục Môi trường Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường….


Niềm hạnh phúc giản đơn

     Suốt cuộc đời PGS.TS Nguyễn Đắc Hy đã hăng say làm việc để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành môi trường Việt Nam. Vì những đóng góp quan trọng của ông đối với ngành cùng một số hoạt động trong và ngoài nước, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước, các tổ chức quốc tế về môi trường trên toàn cầu cũng như trong khu vực.
     Sau khi ông hoàn thành xong cuốn sách thứ hai mnag tên “Môi trường và con đường phát triển”, vợ ông đã làm bốn câu thơ để tặng:
                            “Chắt lọc dọc ngang suốt cuộc đời
                              Ươm vào trang sách cả hồn tôi
                              Ước mong trái đất hành tinh sạch
                              Thế hệ tương lai mãi rạng ngời…”
     Có lẽ niềm hạnh phúc khi có một người bạn đời luôn sát cánh bên mình, luôn hiểu, tin tưởng và yêu thương đã tiếp thêm cho ông sức mạnh và ý chí để có thể tiếp tục làm việc, cống hiến cho đời. Niềm đam mê và những đóng góp có giá trị cho khoa học môi trường của ông đã được xã hội công nhận và ghi danh. Ông đã trở thành niềm tự hào cho cả gia đình và dòng họ. Thế hệ tương lai sẽ còn nhắc đến một vị PGS.TS của làng Võ Trại đã đem cái tài, cái tâm vẹn tròn để sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời như vậy.