Chính phủ Việt Nam đang tăng cường thực hiện cải cách các chính sách tài khóa về môi trường như một công cụ để tạo ra các nguồn thu phục vụ cho hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Biến đổi khí hậu, các chính sách và chiến lược liên quan. Cải cách chính sách tài khóa xanh hướng tới tăng trưởng xanh ở Việt Nam tập trung vào (i) các chính sách tài chính mới và các công cụ thị trường và (ii) định giá các-bon.
BỐI CẢNH
Việt Nam ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường vào năm 2012 và trở thành quốc gia tiên phong cải cách hệ thống thuế bảo vệ môi trường ở khu vực Đông Nam Á. Thuế được áp dụng cho các loại nhiên liệu hóa dầu, than đá và các chất nguy hại đối với môi trường dưới hình thức thuế do người tiêu dùng chi trả.
Thuế Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2012
Nguồn: Quốc hội Việt Nam (2012)
Trong những năm qua, tuy các chính sách thuế hiện hành đối với than đá và các chất nguy hại đối với môi trường chưa tạo ra nhiều tác động trong việc thay đổi hành vi, hệ thống thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là thuế nhiên liệu đã và đang đóng góp đáng kể vào việc ổn định nguồn thu ngân sách. Các khoản thu đều tăng ổn định trong các năm từ 2012 tới 2014, chiếm xấp xỉ 1,5% tổng thu ngân sách nhà nước (Tổng cục Thống kê, 2012-2014).
Từ năm 2015, cải cách chính sách tài khoá xanh được thực hiện thông qua việc điều chỉnh khung thuế suất từ mức thấp nhất đến cao nhất (Từ 1.000 VNĐ đến 3.000 VNĐ). Dự kiến thuế nhiên liệu sẽ làm tăng tổng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường từ 12.000 tỷ VNĐ lên 27.000 tỷ VNĐ (Tăng 131% so với năm 2014, Tổng cục Thuế 2016).
Nguồn thu từ Phí Bảo vệ môi trường 2012-2015
Đồng thời, các loại thuế này cũng mang lại những lợi ích đáng kể, bao gồm thúc đẩy hiệu quả năng lượng, cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005 đã áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn và khai thác khoáng sản bao gồm khí than, khí đốt tự nhiên, dầu thô và các khoáng sản kim loại và phi kim loại và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, khoản thu từ các khoản phí này thường không đủ để bù đắp chi phí thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn và đã gặp phải những hạn chếbởi các công ty khai thác không tuân thủ tốt (GIZ, 2013).
Phí bảo vệ môi trường đã được rà soát thông qua các nghiên cứu toàn diện từ năm 2015. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy việc hoàn thiện chính sách tài khoá đối với tài nguyên thiên nhiên và ngành khai thác khoáng sản cần phải được tiến hành thường xuyên để xác định đối tượng áp dụng và mức phí đối với từng loại khoáng sản, phù hợp với tốc độ và định hướng phát triển (UNDP, 2015).
Bên cạnh đó, phí cho dán nhãn năng lượng đang được triển khai trong năm 2017 là một minh chứng điển hình trong triển khai thực hiện các giải pháp về hiệu quả năng lượng của Việt Nam. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện đang có khoảng 1,6 triệu ô tô và 38 triệu xe máy được đăng ký với tốc độ tăng hàng năm về số lượng phương tiện khoảng 10%. Dự kiến phí năng lượng sẽ được triển khai để quản lý việc tiêu thụ năng lượng của các phương tiện này. Đến năm 2018, khung pháp lý sửa đổi đối với hệ thống thuế, phí bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật và dán nhãn tiêu thụ năng lượng theo đó sẽ được xây dựng và ban hành.
Cơ chế phát triển sạch (CDM)
Là một trong các quốc gia tích cực xây dựng và triển khai các sáng kiến tài chính khí hậu, Việt Nam đi đầu trong việc xây dựng Cơ chế phát triển sạch (CDM). Quy định của nhà nước về CDM, Quyết định số 130/2007/QĐ-TTG được ban hành vào tháng 8 năm 2007. Đến nay, đã có khoảng 16 triệu Chứng chỉ giảm phát thải (CERs) được cấp thông qua 255 dự án CDM đã đăng ký, chủ yếu là các dự án về năng lượng và xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau khi giá CERs giảm đáng kể từ năm 2012, chỉ còn 60 dự án CDM đang tiếp tục hoạt động. Theo đó, thị trường mới dành cho các-bon và việc áp dụng định giá các-bon được xem là nền móng cho một nền kinh tế xanh.
Nguồn: UNEP DTU (2016) của Michaelowa (2017)
Kể từ khi Điều 6 của Thoả thuận Paris đưa ra sự đảm bảo về chính trị và đầu tư cho các hànhđộng giảm nhẹ phát thải toàn cầu thông qua cách thức hợp tác và Cơ chế Phát triển Bền vững mới (SDM), Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và UNDP đã phối hợp và thực hiện các nghiên cứu nhằm đưa ra lộ trình và cơ chế mới có thể được giải cứu các dự án CDM hiện hành và nhanh chóng xác định cách thức chuyển đổi tiềm năng từ CDM sang SDM.
Song song với việc tiếp tục thực hiện danh mục dự án CDM của Việt Nam, việc sửa đổi Quyết định số 130/2007/QĐ-TTG về CDM là rất cần thiết nhằm nắm bắt xu hướng mới của thị trường các-bon trong nướcvà toàn cầu, cũng như tiếp cận các nỗ lực giảm phát thải mới theo Thoả thuận Paris. Dự thảo sửa đổi Quyết định số 130/2007/QĐ-TTG đã được xây dựng vào năm 2016 và dự kiến được thông qua trong thời gian tới.
Định giá các-bon
Cùng với thực hiện định giá các-bon thông qua những cải cách chính sách gần đây, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ sạch
Giá năng lượng tại Việt Nam là thấp so với giá năng lượng quốc tế. Điều này làmcác nhàđầu tư tư nhân không có nhiều động lực trong việc đầu tư cho năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng, việc điều chỉnh giá năng lượng nói chung và cụ thể là cơ chế định giá các-bon sẽ tạo ra nhiều động lực hơn, cũng như tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các hành động giảm phát thải.
Trong năm 2017,Dự án CIGG sẽ phối hợp với Bộ Tài chính triển khai một nghiên cứu nhằm đánh giá các phương án xây dựng cơ chế thuế, phí các-bon trong tương lai ở Việt Nam.
LIÊN HỆ:
Nguyễn Thị Diệu Trinh
Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tel: 84-8043310
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Tô Nguyễn Cẩm Anh
Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
Tel: 0987568792
Email:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DỰ ÁN "HỖ TRỢ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC VÀ ĐỔI MỚI THỂ CHẾ
THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM" (CIGG)