Nghị định thư Montreal về các chất ODS được ký kết vào ngày 16 tháng 9 năm 1987 tại Montreal, Canada đặt ra các biện pháp, nghĩa vụ loại trừ một số chất CFC, halon cho các nước phát triển (còn gọi là các nước không thuộc Điều 5 Nghị định thư) và các nước đang phát triển (còn gọi là các nước thuộc Điều 5 Nghị định thư). Nghị định thư Montreal đã qua năm lần Sửa đổi, bổ sung, trong đó gần đây nhất là Sửa đổi, bổ sung Kigali được thông qua tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn vào tháng 10 năm 2016.
Để hoàn thành nghĩa vụ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo cam kết quốc tế, tháng 01 năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về ODS, đồng thời phê chuẩn hai Sửa đổi, bổ sung London (1990) và Copenhagen (1992) của Nghị định thư Montreal. Tháng 12 năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn hai sửa đổi, bổ sung Montreal (1997) và Bắc Kinh (1999) của Nghị định thư Montreal. Thực hiện cam kết quốc tế đã phê chuẩn, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối và chủ trì thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Ngoài ra, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal để giúp các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi công nghệ, loại trừ sử dụng các chất ODS và thay thế bằng công nghệ sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn, thân thiện với môi trường.
Sửa đổi, bổ sung Kigali bổ sung vào Nghị định thư Montreal 2016 quy định lộ trình loại trừ sản xuất và tiêu thụ các chất HFC (hydrofluorocarbon). Theo sửa đổi Kigali, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển và có nghĩa vụ loại trừ các chất HFC theo quy định của Sửa đổi bổ sung Kigali khi Việt Nam tham gia phê chuẩn và Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình loại trừ các chất HFC, ngưng mức tiêu thụ vào năm 2024 và bắt đầu loại trừ dần các chất HFC từ năm 2029, giảm dần đến năm 2045 còn 20% mức tiêu thụ cơ sở. Việt Nam không sản xuất các chất HFC; do vậy, lượng tiêu thụ các chất HFC của Việt Nam được tính dựa trên lượng nhập khẩu cho sử dụng ở Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung Kigali tác động nhiều lĩnh vực bao gồm: sản xuất điều hoà không khí, sản xuất thiết bị làm lạnh gia dụng, thiết bị làm lạnh thương mại và công nghiệp, sản xuất ô tô và điều hoà không khí ô tô và phương tiện giao thông công cộng, sản xuất xốp, và các lĩnh vực liên quan.
Việt Nam đã thực hiện Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC (NCHP) trong giai đoạn 2005-2010 và loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Thông qua NCHP, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 500 tấn CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Trong trường hợp không phê chuẩn tham gia và thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam sẽ đóng góp vào phát thải khí nhà kính từ sử dụng các chất HFC vào năm 2020 là khoảng 4.607.908 tấn CO2 tương đương; vào năm 2030 lượng phát thải là khoảng 7.679.847 tấn CO2 tương đương.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ đem lại những tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường và tránh tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, phân tích đồng thời chỉ ra những khó khăn về mặt môi trường – kinh tế - xã hội. Cụ thể, do tính chất nhiệt động lực học và tính an toàn khác nhau của các chất thay thế HFC, không có chất nào được coi là "phù hợp với tất cả," nhất là trong một số lĩnh vực làm lạnh. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề kinh tế như chi phí chuyển đổi các chất HFC sang các môi chất lạnh thân thiện khí hậu, dẫn tới chi phí tiêu thụ và bảo trì cao hơn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp chưa có đủ trang thiết bị cho việc chuyển đổi công nghệ. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực về rủi ro cháy nổ, rò rỉ khí độc hại là vấn đề lớn mà các quy định an toàn hiện nay chưa được cập nhật phù hợp với tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi các chất HFC sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài từ việc giảm chi phí đầu tư và vận hành cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, tác động tích cực của việc bảo vệ tầng ô-dôn và đẩy lùi hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng là một điểm mạnh to lớn. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp trong ba lĩnh vực sử dụng nhiều HFC nhất trí việc phê duyệt Sửa đổi, bổ sung Kigali và cho rằng việc chuyển đổi công nghệ theo lộ trình không gây tác động lớn. Tuy nhiên do chưa ước tính được chi phí chuyển đổi, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điều hoà không khí gia dụng và điều hoà không khí ô tô mong muốn được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi theo lộ trình.
Với bối cảnh cụ thể của Việt Nam trong việc tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam đang đối mặt với việc gia tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn tới gia tăng nhu cầu về sử dụng thiết bị làm lạnh và điều hòa không khí. Nếu không phát triển các giải pháp thay thế cho HFC và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn, chắc chắn phát triển kinh tế sẽ gây sức ép lớn lên việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Do vậy, việc chính phủ Việt Nam đồng ý phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali nhằm tăng cường quản lý các chất HFC, đẩy nhanh việc loại trừ và thay thế các chất HFC là phù hợp với mục tiêu quốc gia về bảo tồn năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện được mục tiêu này, một vài khuyến nghị bổ sung được đưa ra như: xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện; tận dụng hỗ trợ tài chính của quốc tế; áp dụng quy trình chặt chẽ khi thẩm định công nghệ; thúc đẩy truyền thông, chia sẻ thông tin và hợp tác kỹ thuật; và lựa chọn, theo dõi các chỉ số theo dõi và giám sát tác động.