Xây dựng nguồn lực tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam

19.12.2024 | Category: News

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh (TTX) cần có nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai áp dụng chính sách tài chính - ngân sách liên quan đến TTX ở Việt Nam cũng bộc lộ một số điểm hạn chế. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình TTX.

Cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn lực tài chính cho TTX ở Việt Nam

Tại Hội thảo "Xây dựng nguồn lực tài chính hỗ trợ TTX tại Việt Nam" do Vụ Khoa học, Giáo dục và Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức vào ngày 12/12/2024, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tài chính xanh là thuật ngữ ra đời gắn với sự phát triển của xu hướng xanh hóa nền kinh tế trên thế giới trong những thập kỷ gần đây. Tại Việt Nam, tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược TTX, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

xay-dung-nguon-luc-tai-chinh-ho-tro-tang-truong-xanh-tai-viet-nam

Toàn cảnh hội thảo " Xây dựng nguồn lực tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam"

Theo đó, Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định, nguồn lực tài chính thúc đẩy TTX ở Việt Nam bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước; nguồn lực từ khu vực tư nhân; nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế và nguồn cộng đồng xã hội khác.

Cụ thể: theo Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 đã kèm theo danh mục nhiệm vụ, hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. Trong đó, có Mục 4 (Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho TTX), gồm các tiểu mục liên quan đến nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính xanh, như: (i) Xây dựng và hoàn thiện chính sách về thu, chi ngân sách nhà nước đối với các hoạt động hướng tới TTX, chuyển đổi xanh; (ii) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), bảo hiểm xanh (gồm xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh, nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao, sản phẩm bảo hiểm rủi ro khí hậu); (iii) Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, gồm xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon theo cơ chế thị trường; nghiên cứu cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động thị trường các-bon; xây dựng cơ chế và cách thức vận hành thị trường các-bon, quy định kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

2437 tai-chinh-xanh-1

Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định, nguồn lực tài chính thúc đẩy TTX ở Việt Nam bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước; nguồn lực từ khu vực tư nhân; nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế và nguồn cộng đồng xã hội khác

Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, ngày 15/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho TTX cũng là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022). Trong đó, Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục tiêu về cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện các quan điểm, mục tiêu này, Chiến lược tài chính đến năm 2030 cũng đề ra những giải pháp hướng đến huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động kinh tế xanh và BVMT; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm xanh...

Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính xanh

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, NHNN đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NHTM Cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), NHTM Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTM Cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank).

Thông tin tại Diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về TTX tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 10/9/2024 cho thấy, hiện nay, thị trường chứng khoán xanh ngày càng mở rộng về quy mô. Doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đang thể hiện mức độ cam kết cao đối với thực hiện cam kết ESG. Theo báo cáo của PWC (2024), tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.

Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore, trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Vào tháng 7/2022, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực - EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,7%/năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - Công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia.

Song, còn đó những khó khăn

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, thời gian qua đã có sự ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu TTX, tuy nhiên, thực tế nguồn lực ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được phần nào cho các hoạt động TTX. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực của ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 25% yêu cầu về biến đổi khí hậu và TTX.

Trong khi đó, sự phát triển của thị trường chứng khoán xanh tại Việt Nam còn chậm so với các thị trường trong khu vực, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia và quy mô chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại hội thảo "Xây dựng nguồn lực tài chính hỗ trợ TTX tại Việt Nam", đại diện đến từ Agribank xác định, ngân hàng đóng vai trò rất quan trong trong việc đầu tư cho TTX. Một trong những khó khăn chung của các ngân hàng, cũng như các tổ chức tài chính trong việc tham gia hỗ trợ tài chính cho các hoạt động TTX là việc thiếu nguồn nhân lực trong việc đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí xanh trong một dự án. Với mỗi dự án hợp tác với mỗi tổ chức, thì mỗi tổ chức sẽ sử dụng một bộ tiêu chí khác nhau. Trong khi đó, để ngân hàng có thể tự xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá các chỉ tiêu TTX, cần dựa trên một cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và tiêu chí đánh giá dự án TTX ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.

Cần tiến hành các giải pháp đồng bộ

Từ góc độ quản lý nhà nước ở địa phương, ông Đồng Minh Long, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, cần lồng ghép các chỉ tiêu TTX vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 21, từ đó sẽ tiến hành lồng ghép vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm của Tỉnh. Khi đó mức độ cam kết cũng như trách nhiệm của các sở, ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu TTX sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần kết hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ để ban hành Danh mục xanh Quốc gia, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện phát triển tín dụng xanh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng xanh và các sản phẩm tín dụng xanh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế, phí...

Ngoài ra, cần thiết có một quy định có tính chất pháp lý đóng vai trò rất quan trọng để xác định những trách nhiệm liên đới của các NHTM trước sự cố môi trường. Từ đó, các NHTM sẽ phải cẩn trọng hơn trước những quyết định cho vay của mình để tín dụng vừa có thể đến tay nhà đầu tư, vừa đảm bảo được những điều kiện ràng buộc với pháp luật về các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường sống.

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cần hoàn thiện các quy định về mua sắm công xanh, chẳng hạn hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái, nhãn năng lượng trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công hoặc ban hành quy chế mua sắm công xanh đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh phát triển. Để hỗ trợ thị trường bảo hiểm xanh phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả và đạt được mục tiêu phát triển bảo hiểm xanh như đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030./.

Huy Đức